Metro Nhổn - ga Hà Nội hứa hẹn chục lần vẫn chưa thể vận hành
Metro Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội  có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Dự án khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2016. Dù đã chậm tiến độ nhiều năm, nhưng đến nay tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa thể chở khách.
Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục đội vốn
Theo thông tin từ VTC News, việc chậm tiến độ và liên tục lỡ hẹn ngày hoàn thành dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội vốn thêm khoảng 4.905 tỷ đồng (tương đương 202,81 triệu euro) nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2022, nguyên nhân chậm tiến độ  là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí.
Lý giải về lý do đội vốn, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt Hà Nội (MRB) cho biết, do biến động của tỉ giá quy đổi (tiền euro sang tiền Việt Nam) khi thanh toán khối lượng thực hiện; điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành; chậm trễ tiến độ dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện; cập nhật các chi phí trong tổng mức đầu tư; bổ sung các phần việc còn thiếu do không lường trước được khi dự án lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam…
Theo MRB, một vướng mắc khác liên quan đến điều chỉnh hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói), Tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc.
Đến năm 2024, metro Nhổn - ga Hà Nội là dự án đội vốn cao nhất trong các tuyến đường sắt đô thị đã và đang thi công ở Thủ đô. Cụ thể, theo mức đầu tư được phê duyệt lúc khởi công dự án có chi phí là 18.408 tỷ đồng (chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp), đến nay sau các lần xin điều chỉnh, dự án đã đội vốn gần 63%.
Metro Nhổn - ga Hà Nội |
Metro Nhổn - ga Hà Nội lỡ hẹn lần thứ 13
Kế hoạch vận hành mới nhất được chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị  Hà Nội (MRB) đưa ra là tháng 6.
Dẫn tin từ báo Tiền Phong, kế hoạch này được đưa ra sau khi tiến độ vận hành các đoàn tàu vào tháng 12 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng chủ đầu tư đã không thực hiện được. Cụ thể, ngày 7/8/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo nội dung: “Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác cuối năm 2023”.
Sau khi tiến độ trên không thực hiện được, đại diện MRB cho biết, đang hoàn thành các thủ tục cuối cùng để đưa các đoàn tàu hoạt động thương mại (chở khách) vào trước 30/6.
Tuy nhiên đến nay, thời điểm 30/6 đã qua nhưng các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa chở khách trên tuyến. Đây là lần thứ 13 tuyến đường sắt đô thị lỡ hẹn với việc đưa các đoàn tàu vào hoạt động chở khách.
>> Đại gia Đường ‘bia’ táo bạo đề xuất làm đường tàu điện vàng dài 30km