Miền đất nhiều chùa tháp nhất ĐBSCL sắp có tuyến đường ven biển hơn 9.000 tỷ đồng
Dự án mở ra kỳ vọng lớn trong việc kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường hành lang ven biển nối liền các trục giao thông huyết mạch trong vùng, kết nối Trà Vinh với hai tỉnh lân cận là Bến Tre và Sóc Trăng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 60,7km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với vận tốc khai thác tối đa 80km/h. Tổng vốn đầu tư dự án được xác định là 9.186,996 tỷ đồng (tương đương khoảng 388,9 triệu USD), trong đó 6.716,567 tỷ đồng là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 2.470,429 tỷ đồng là vốn đối ứng trong nước.

Tuyến đường sẽ khởi đầu từ điểm kết nối với dự án  cầu Cổ Chiên 2 (huyện Châu Thành), đi qua nhiều khu vực trọng điểm và kết thúc tại vị trí tiếp giáp Quốc lộ 53B, Quốc lộ 54 và đường dẫn vào cầu Đại Ngãi (huyện Tiểu Cần, thị xã Duyên Hải).
Dự án được chia làm hai hợp phần chính: hợp phần xây dựng mới hơn 56km đường và cầu Cửa Cung Hầu dài gần 4,6km; hợp phần còn lại bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý dự án, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ ADB.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài trong giai đoạn 2025-2030. Đây là một trong những công trình trọng điểm  được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Trà Vinh, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông ven biển, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế biển, du lịch, và cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho toàn vùng.
Không chỉ là những con số đầu tư, dự án tuyến đường ven biển còn thể hiện khát vọng vươn mình của Trà Vinh trong hành trình trở thành cực tăng trưởng bền vững của miền Tây Nam Bộ.
Tỉnh Trà Vinh được mệnh danh là "xứ sở chùa Khmer" hay "miền đất chùa tháp" của miền Tây Nam Bộ. Trà Vinh hiện có hơn 140 ngôi chùa Khmer, nhiều nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục, lưu giữ bản sắc của cộng đồng người Khmer – chiếm khoảng 30% dân số toàn tỉnh.