Nền kinh tế lớn nhất thế giới 'lung lay': Giá cước vận tải biển dự kiến tăng cao, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ 'khó trụ lại'
Dù một số mặt hàng công nghệ được miễn trừ tạm thời, phần lớn các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, đang gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng và có nguy cơ không thể phục hồi từ làn sóng áp thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Donald Trump tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn với Trung Quốc, áp dụng mức thuế lên đến 145% đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù iPhone và một số thiết bị công nghệ cao được miễn trừ tạm thời, phần còn lại của nền kinh tế Mỹ đang “chao đảo”.
Theo các chuyên gia chuỗi cung ứng, hàng loạt đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc đã bị hủy, hàng hóa bị bỏ lại cảng trở thành điều phổ biến. “Các nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Trung Quốc đã chứng kiến đơn hàng từ Mỹ sụt về 0. Tình trạng tương tự đang xảy ra ở các lĩnh vực như đồ chơi, giày dép, may mặc và thiết bị thể thao”, ông Alan Murphy, Giám đốc điều hành Sea-Intelligence cho biết.
Ông Brian Bourke, Giám đốc thương mại của SEKO Logistics, nói rằng các đơn hàng tại Đông Nam Á đã phục hồi nhờ lệnh hoãn thuế 90 ngày, nhưng các đơn từ Trung Quốc vẫn tiếp tục bị hủy.
“Hầu hết hoạt động liên quan đến Trung Quốc hiện nay đều trong trạng thái tạm dừng”, ông Alan Baer, CEO của OL USA nhận định.
Theo bà Erica York, Phó Chủ tịch Trung tâm Chính sách Thuế Liên bang tại Quỹ Thuế, mức thuế 145% có thể khiến hoạt động thương mại Mỹ - Trung gần như bị cắt đứt hoàn toàn. “Với những mặt hàng không có lựa chọn thay thế, doanh nghiệp có thể phải chấp nhận trả giá cao. Nhưng phần lớn sẽ bị dừng lại hoàn toàn”, bà York nói trên CNBC.
Miễn trừ thuế với nhóm hàng công nghệ được lý giải là nhằm tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, song cũng đồng thời cho thấy mức độ tổn thương sâu sắc của các ngành có biên lợi nhuận thấp - những lĩnh vực không thể trụ vững trước chi phí thuế tăng cao.

Doanh nghiệp nhỏ khó trụ lại
Các doanh nghiệp nhỏ – vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn hàng từ Trung Quốc – đang bị đẩy vào thế khó. Ông Stephen Lamar, CEO của Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ, cảnh báo hệ lụy tương tự như trong giai đoạn đại dịch: “Các doanh nghiệp không thể lên kế hoạch vì chi phí thực tế chỉ được biết khi hàng cập cảng. Những khoản phí phát sinh lớn đến mức vượt ngoài khả năng thanh toán, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ”.
Theo ông Lamar, nhiều doanh nghiệp chưa có nguồn cung thay thế phù hợp, dẫn tới tình trạng đơn hàng bị hủy, doanh thu mất trắng và nguy cơ thiếu hàng diện rộng tại thị trường nội địa.
Ngành logistics toàn cầu "gồng mình" ứng phó
Tập đoàn vận tải Maersk cảnh báo rằng sự sụt giảm đột ngột trong đơn đặt chỗ container, cộng với khả năng áp thêm phí với tàu mang nhãn “Trung Quốc”, sẽ buộc toàn ngành phải tái cấu trúc dịch vụ vận tải tuyến Bắc Mỹ. Tình trạng tắc nghẽn và giá cước tăng cao được dự báo kéo dài trong nhiều tháng tới.
“Khách hàng của chúng tôi đang tìm kiếm ‘tính linh hoạt bổ sung’ trong mọi khâu – từ kho hàng, trung tâm phân phối, cảng biển, cho đến máy bay vận tải”, Maersk thông báo trong một thư cảnh báo gửi đối tác.
Cùng với việc hủy đơn hàng, hiện tượng hàng hóa bị bỏ lại cảng vì không thể thanh toán thuế cũng gia tăng. Các cảng lớn như New York cho biết hàng để quá 30 ngày sẽ bị coi là “hàng hóa bị bỏ rơi”, đem bán đấu giá để thu hồi phí lưu kho và các chi phí phát sinh.
Thị trường mua bán hàng thanh lý do đó đang bùng nổ. Các công ty như JS Cargo & Freight Disposal, FR8 Auctions hay Merchandise USA chuyên thu mua hàng hóa bị bỏ rơi và phân phối qua hệ thống siêu thị giá rẻ, cửa hàng tiện lợi, các kênh online như Amazon và các chợ thanh lý.
Khó đầu tư giữa bối cảnh bất định
Dù chính quyền Mỹ muốn khuyến khích đưa sản xuất trở lại trong nước, các chuyên gia cảnh báo rằng môi trường bất ổn chính sách hiện nay khiến các doanh nghiệp không thể lên kế hoạch dài hạn.
“Không ai sẵn sàng đầu tư hàng triệu USD xây nhà máy ở Mỹ nếu chính sách thuế chỉ là đòn bẩy mặc cả trong thương chiến. Nếu thực sự theo đuổi mục tiêu tái công nghiệp hóa, chính quyền cần có lộ trình rõ ràng thay vì những thay đổi thuế suất như chơi yo-yo”, ông Murphy nói.