Năm 2022, Thanh Hóa sẽ khánh thành một tuyến cao tốc đi qua tỉnh (Mai Sơn – Quốc lộ 45). Mỗi năm 2023, 2024 cũng sẽ khánh thành một tuyến cao tốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có buổi làm việc với Thường ủy tỉnh Thanh Hóa. Buổi làm việc còn có sự góp mặt của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và nhiều cơ quan ban ngành.
Buổi làm việc nhằm thúc đẩy kinh tế để "Xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới".
Thanh Hóa thuộc nhóm đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế
Nửa đầu năm nay, điểm sáng của Thanh Hóa là có mức tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đứng đầu cả nước với 13,5% trong khi mục tiêu cả năm tăng trưởng 11,5%. Thanh Hóa phấn đấu thu ngân sách cả năm đạt 40.000 tỷ đồng, vượt cao so với mức dự toán 28.100 tỷ đồng.
Trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, tỉnh sẽ tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng Thanh Hoá sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Tỉnh phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2022”,.
Hiện, Thanh Hóa đang đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu cần nhanh chóng thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm khởi công xây dựng các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP của Thanh Hóa chiếm 2,5% GDP cả nước, đứng thứ 9 về quy mô GDP.
Xác định 3 trụ đỡ tăng trưởng: công nghiệp - xây dựng và dịch vụ
Để trở thành cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa xác định công nghiệp - xây dựng và dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn đóng góp vào GDP.
Chính vì thế, Thanh Hóa đã quy hoạch các khu cụm công nghiệp, tập trung hạ tầng để thu hút đầu tư. Thời gian qua, tỉnh luôn đứng trong tốp đầu các địa phương về thu hút đầu tư, mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng.
Do dư địa phát triển kinh tế đô thị của Thanh Hóa rất lớn, tỉnh cần sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh để có thể tính toán được không gian phát triển, xử lý các bất cập hiện nay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, tỉnh cần có sự đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch.
(TyGiaMoi.com) - Sẽ hoàn thành một số tuyến cao tốc qua Thanh Hóa
Theo báo cáo của Thanh Hóa, năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 40.781 tỷ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020.
Có diện tích trên 11.100 km2 và dân số 3,6 triệu người, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng về lao động và đất đai. Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, với sự gia tăng ngân sách ấn tượng, việc đạt con số thu ngân sách 70.000 tỷ đồng là trong tương lai gần. Từ đó, tỉnh sẽ có thêm nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Hóa hiện có đủ cả 5 loại hình giao thông, trong đó giao thông đường bộ phát triển mạnh. Năm 2022, sẽ khánh thành một tuyến cao tốc đi qua tỉnh (Mai Sơn – Quốc lộ 45), mỗi năm 2023, 2024 cũng sẽ khánh thành một tuyến cao tốc. Phó Thủ tướng tin tưởng, trong 5 năm tới, Thanh Hóa sẽ có bước phát triển bứt phá.
Góp ý cho sự phát triển của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung cao vào phát triển hạ tầng; đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh. “Chúng ta có hạ tầng giao thông tốt, đó cũng là môi trường đầu tư, nhưng việc quan trọng là tiến độ giải quyết công việc nhanh cho nhà đầu tư”.
Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Thanh Hóa quan tâm đặc biệt tới chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Xem thêm: Vì sao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình, Quảng Trị lại thấp?