Quốc gia có GDP bình quân đầu người kém xa Việt Nam sẽ vươn lên top 3 thế giới vào năm 2027, Đức-Nhật còn xếp sau?
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal ca ngợi thành tích kinh tế của Ấn Độ trong thập kỷ qua là "ngoạn mục".
Trong 10 năm qua, nền kinh tế Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi, vượt qua tất cả các nước trong G7, G20 và BRICS  về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, trong suốt thập kỷ qua, Ấn Độ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của nước này đã tăng 105%, cao hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác.
Theo IMF, GDP của Ấn Độ hiện đạt 4,3 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với mức 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2015, khi Thủ tướng Narendra Modi mới bắt đầu nhiệm kỳ. Kể từ đó, nền kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng mạnh mẽ và vượt mốc gấp đôi.
Ấn Độ chuẩn bị vượt Nhật Bản, hướng tới vị trí thứ ba toàn cầu
Ấn Độ sắp vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, theo NDTV. Hiện GDP của Nhật Bản là 4,4 nghìn tỷ USD và Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua mức này vào quý III năm nay. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ có thể vượt qua cả Đức - nền kinh tế lớn thứ ba - vào quý II năm 2027. GDP của Đức hiện là 4,9 nghìn tỷ USD.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal đã ca ngợi thành tích kinh tế của Ấn Độ trong thập kỷ qua là "ngoạn mục", đồng thời nhấn mạnh rằng Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng 105% trong 10 năm, vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc (76%), Mỹ (66%), Đức (44%), Pháp (38%) và Anh (28%).
"Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tăng gấp đôi GDP trong thập kỷ qua và đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu", ông Goyal chia sẻ.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác là GDP bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2023 chỉ đạt 2.484 USD - tương đối thấp và cũng thấp hơn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.346 USD.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
Mặc dù Ấn Độ đứng đầu về tốc độ tăng trưởng, nhưng về quy mô nền kinh tế, hai vị trí đầu tiên vẫn thuộc về Mỹ (30,3 nghìn tỷ USD) và Trung Quốc (19,5 nghìn tỷ USD).
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Ấn Độ có thể mất hơn hai thập kỷ để lọt vào top 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tính đến tháng 3/2025, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 36,22 nghìn tỷ USD, trong khi con số này của Trung Quốc vào tháng 9/2024 là 2,52 nghìn tỷ USD. So với đó, tổng nợ của Ấn Độ vào cùng thời điểm chỉ là 712 tỷ USD.
Ấn Độ  đã mất 60 năm để đạt GDP 1 nghìn tỷ USD (năm 2007). Từ 1 nghìn tỷ lên 2 nghìn tỷ USD mất 7 năm (đạt vào năm 2014). Đáng chú ý, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, Ấn Độ đạt GDP 3 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Và nước này chỉ mất 4 năm để từ 3 nghìn tỷ lên 4 nghìn tỷ USD.
Với tốc độ này, nếu xu hướng tăng trưởng tiếp tục, Ấn Độ có thể bổ sung 1 nghìn tỷ USD vào GDP mỗi 1,5 năm và có khả năng trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2032.
Theo NDTV
>> 900 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn nước ngoài tháo chạy: Siêu cường châu Á lung lay?