Cây cầu có chiều dài 2,9km với tổng vốn đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng sẽ được khởi công trong năm 2024.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên  và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên) có tổng chiều dài 11,5km.
Trong đó, cầu Tứ Liên dài 2,9km, cầu chính dài 1km với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ. Cầu được đầu tư theo phương thức đối tác công tư với tổng vốn khoảng 20.000 tỷ đồng và là cây cầu có vốn đầu tư lớn nhất trong số những cây cầu bắc qua sông Hồng.
Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.
Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL5 với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm, nút giao Hữu Hồng, nút giao kết nối bãi giữa, nút giao Tả Hồng, nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu Tứ Liên được tư vấn thiết kế bởi các chuyên gia Mỹ với ý tưởng về phương án kiến trúc là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn về hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu được tạo hình. Ý tưởng thiết kế cầu Tứ Liên mang đậm nét về lịch sử văn hóa Thủ đô khi kết hợp văng xoắn với hình chiếu không gian mang hình nón lá với tháp cầu lấy biểu tượng từ rồng thiêng, trở thành biểu tượng mới của trái tim cả nước.
Cụ thể, cầu Tứ Liên được thiết kế là cầu dây văng, 2 hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của 4 con rồng từ mặt nước bay vút lên trời cao, hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân rồng đang bắn tung ra. Ý tưởng này gắn chặt với tên gọi Thăng Long – Hà Nội, với ý nghĩa mảnh đất rồng bay lên.
Ở góc nhìn khác, 2 trụ cầu chính hiện lên mềm mại như 2 chú chim bồ câu nhỏ đang chao liệng trên dòng sông Hồng. Hình ảnh chim bồ câu cũng thể hiện đúng tính chất "thành phố vì hòa bình" của Hà Nội, còn sông Hồng - dòng sông Mẹ gắn liền với lịch sử thăng trầm của Thủ đô.
Theo phân tích của báo VOV, cầu Tứ Liên khi được đưa vào hoạt động sẽ trở thành "át chủ bài" quan trọng kết nối khu vực Đông Anh thẳng tới Hồ Tây và trung tâm chính trị Ba Đình theo tuyến đường ngắn nhất.
Dự án cầu Tứ Liên được kỳ vọng sẽ tạo nên trục phát triển mới kết nối từ trung tâm Thủ đô tới Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài , mở ra cơ hội phát triển về hạ tầng đô thị, bất động sản, thương mại không chỉ cho khu vực Tây Hồ - Đông Anh mà cả khu vực các tỉnh phía Bắc Thủ đô. Đồng thời, cầu sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ ngoại thành vào nội thành như từ Đông Anh, Cổ Loa và trung tâm Hà Nội, hay hướng từ thành phố di chuyển ra đường quốc lộ 5, giao thông với các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Trong số đó hiện đã có 9 cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy - giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
9 cây cầu đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (trên tuyến Vành đai 4); Thăng Long mới (Vành đai 3); Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (trên tuyến đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).
>> Thành phố lớn nhất cả nước: Phấn đấu là nơi có mức sống cao bậc nhất Việt Nam