Siêu cường châu Á vươn lên vị trí số 1 thế giới về điện gió ngoài khơi: Chiếm 50% công suất toàn cầu, tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%
Công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt của quốc gia này đã tăng mạnh từ dưới 5 triệu kW năm 2018 lên 37,7 triệu kW vào năm 2023.
Tính đến quý III/2024, Trung Quốc  đã xây dựng và kết nối 39,1 triệu kW công suất điện gió ngoài khơi vào lưới điện quốc gia, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được cột mốc này. Thông tin trên được công bố tại một hội nghị về hợp tác chuỗi công nghiệp điện gió ngoài khơi, tổ chức tại thành phố Bắc Hải, thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã phát triển một chuỗi công nghệ và công nghiệp điện gió ngoài khơi  tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các khâu từ thiết kế, sản xuất, xây dựng, vận hành đến bảo trì. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về đổi mới chiến lược, các công nghệ chủ chốt trong điện gió ngoài khơi và tăng cường hợp tác quốc tế trong chuỗi công nghiệp điện gió ngoài khơi hiện đại.
Nhờ sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng gió ngoài khơi dồi dào, ngành công nghiệp này tại Trung Quốc đã phát triển vượt bậc. Công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt đã tăng mạnh từ dưới 5 triệu kW năm 2018 lên 37,7 triệu kW vào năm 2023, chiếm 50% tổng công suất toàn cầu. Đặc biệt, tỷ lệ nội địa hóa tua-bin gió ngoài khơi tại Trung Quốc đã vượt 90%, phản ánh khả năng tự chủ cao trong sản xuất.
Hướng đến tương lai, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Trung Quốc cần tiếp tục đổi mới mô hình tích hợp công nghiệp, tăng cường nghiên cứu các công nghệ cốt lõi và đẩy mạnh phát triển phối hợp để hình thành các cụm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, theo ông Shu Yinbiao, viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc.
Theo CGTN