Thế giới

Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ

Thiên Kim 27/04/2025 - 21:34

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang gấp rút xây cơ sở sản xuất tại Mỹ nhằm tránh đòn thuế quan nặng nề, nhưng quá trình này không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt mở nhà máy tại Mỹ để né thuế

Ryan Zhou, chủ một doanh nghiệp sản xuất quà tặng tại miền Đông Trung Quốc , đã làm việc cật lực từ tháng 4 để mở nhà máy mới tại một địa điểm xa lạ: Dallas, Texas, Mỹ.

Người đàn ông 38 tuổi này đang phải làm việc tới 14 tiếng/ngày để tìm kho bãi, sắp xếp vận chuyển và xin thị thực lao động Mỹ cho nhân viên, với kế hoạch đưa nhà máy đi vào hoạt động trong tháng 5.

Việc dịch chuyển sản xuất sang miền Nam nước Mỹ rất phức tạp, nhưng Zhou cho biết ông không còn lựa chọn nào khác: nếu không tìm được cách lách các đợt tăng thuế mạnh từ Mỹ, công ty của ông có thể không trụ nổi.

Người đàn ông nói: “Mỹ chiếm tới gần 95% đơn hàng của công ty. Đó là thị trường mà chúng tôi không thể để mất”.

Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Zhou không đơn độc. Các nhà sản xuất Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực – từ hóa dầu đến in ly sứ – đang âm thầm nhưng khẩn trương mở nhà máy tại Mỹ nhằm tránh tác động nặng nề từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Tổng thống Donald Trump đã nâng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc thêm 145% kể từ khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế trả đũa 125%. Trong nhiều ngành, mức thuế cao ngất này đang đẩy hoạt động thương mại trực tiếp giữa Mỹ-Trung vào thế khó khăn.

Với công ty của Zhou – chuyên sản xuất quà tặng mang tính cá nhân như ly sứ in hình và áo thun – một đòn giáng mạnh khác là việc chính quyền ông Trump hủy bỏ quy định "de minimis", vốn cho phép các lô hàng nhỏ miễn thuế nhập khẩu Mỹ.

Trước đây, Zhou có thể gửi hàng ngàn kiện hàng mỗi ngày đến Mỹ mà không phải chịu thuế. Nay, các đơn hàng này đối mặt với mức thuế tới 90%, đẩy chi phí vận chuyển lên rất cao.

Thách thức và chiến lược khi sản xuất tại Mỹ

Sản xuất ngay tại Mỹ giúp Zhou né thuế, nhưng cũng kéo theo nhiều bất lợi. Theo ông, chi phí nhân công tại Mỹ cao, còn quy định lao động nghiêm ngặt hơn nhiều so với Trung Quốc. Zhou chỉ dự định sản xuất những công đoạn đòi hỏi ít lao động thủ công tại nhà máy Dallas.

Ông cho hay: “Nhà máy tại Mỹ chỉ đảm nhận 1 hoặc 2 công đoạn, trong khi ở Trung Quốc, một sản phẩm có thể trải qua 8–10 bước. Điều đó đơn giản là bất khả thi tại Mỹ”.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng chọn cách tiếp cận tương tự. Zhu Ning, người điều hành một công ty tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng cơ sở tại Mỹ, cho biết ông đã nhận hơn 100 yêu cầu chỉ trong 4 tháng qua – bằng tổng số cả năm trước.

Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Tuy vậy, Zhu cảnh báo các doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sản xuất cho phù hợp với thị trường Mỹ. “Nói đơn giản, sản xuất tự động hóa cao phù hợp hơn với môi trường lao động Mỹ", ông nhấn mạnh. "Chi phí nhân công tại Mỹ vẫn cao và năng suất không thể so với Trung Quốc".

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp Trung Quốc khi mở nhà máy tại Mỹ là sự thiếu hụt chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Theo Leo Li, chủ một doanh nghiệp linh kiện điện tử ở Thâm Quyến, các công ty thường phải vật lộn tìm nguồn vật liệu hoặc thiết bị tại địa phương, ngay cả khi sẵn sàng trả giá cao hơn.

Dẫu vậy, Li cho rằng việc sản xuất tại Mỹ vẫn rất đáng giá. Ngoài việc tránh được thuế, sản xuất nội địa còn cho phép doanh nghiệp hưởng biên lợi nhuận cao hơn ở một số sản phẩm, như hàng ép phun.

Li nói: "Chi phí chắc chắn sẽ tăng, nhưng vẫn còn tốt hơn mức thuế 145%. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì sản lượng đơn hàng hiện tại và giữ vững vị thế cạnh tranh".

Xu hướng dịch chuyển sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Trong một số ngành, cuộc chiến thương mại đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với các doanh nghiệp hóa dầu hạ nguồn của Trung Quốc, xây nhà máy tại Mỹ giờ đây trở thành lựa chọn hợp lý, theo Ye Yingmin, nhà sáng lập công ty tư vấn ngành hóa chất và năng lượng Chem1 tại Bắc Kinh.

Trước đây, doanh nghiệp thường nhập nguyên liệu từ Mỹ, chế biến tại Trung Quốc rồi tái xuất sang Mỹ. Nhưng mô hình này giờ có nguy cơ chịu 2 lần thuế nhập khẩu cao.

“Trong ngành hóa dầu hạ nguồn, nguyên liệu chiếm 80–90% chi phí nên chỉ cần một mức thuế 10% cũng đủ gây tổn hại lớn”, Ye nói.

Ông dự đoán trong vòng hai năm tới, sẽ có “làn sóng đầu tư mạnh” từ các doanh nghiệp hóa dầu Trung Quốc vào Mỹ. Công ty của ông cũng chuẩn bị mở chi nhánh đầu tiên ở nước ngoài - tại Houston, Texas - để hỗ trợ dòng vốn này.

Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ - ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Cả Zhou và Zhu đều tin rằng xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Mỹ sẽ còn tiếp tục.

Zhou, chủ nhà máy quà tặng, nhận định: “Miễn là đồng USD duy trì vị thế toàn cầu, chúng tôi tin Mỹ vẫn sẽ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Cuộc chiến thuế sẽ thúc đẩy một làn sóng tái cấu trúc. Cuối cùng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tìm ra cách tái định vị tại thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ vẫn cần các sản phẩm này – và họ sẽ tiếp tục mua từ các công ty Trung Quốc, chỉ là qua những mô hình kinh doanh khác”.

Ngoài ra, Zhou cho biết ông sẽ tiếp tục sản xuất tại Mỹ ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

Gần đây, một số quan chức Mỹ thừa nhận mức thuế hiện tại là “không bền vững”, và Tổng thống Trump cũng tiết lộ đang thảo luận một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Dù Bắc Kinh bác bỏ tin tức này là “tin giả”, những tuyên bố trên đã làm dấy lên kỳ vọng rằng thuế nhập khẩu có thể sớm được hạ thấp.

Đối với Zhou, nếu thuế giảm, đó chỉ là “lợi ích cộng thêm”. Ông đã có kế hoạch xây nhà máy tại Mỹ từ trước khi chính quyền ông Trump áp thuế “có đi có lại” hồi tháng 4. Cuộc chiến thuế chỉ khiến ông đẩy nhanh tiến độ.

“Nếu thuế được giảm, chúng tôi có thể mua nguyên liệu trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc hiện tại", ông nói. “Nếu không, chúng tôi sẽ tính đến việc tìm nguồn từ Đông Nam Á”.

Theo SCMP

>> 'Gót chân Achilles' của Trung Quốc lộ diện: Nguy cơ dòng doanh nghiệp tháo chạy không thể cứu vãn?

77.000 việc làm có thể biến mất, nhiều doanh nghiệp Mỹ phá sản, giá cả tăng vọt vì thuế quan?

Apple tăng tốc rời Trung Quốc, Việt Nam trở thành ‘công xưởng’ mới của AirPods, iPad, MacBook

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/so-mat-95-don-hang-doanh-nghiep-trung-quoc-do-xo-lap-nha-may-o-my-141296.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH