Bất động sản

Số phận long đong của một bệnh viện lớn ở TP.HCM

Linh Giao 21/10/2023 - 08:56

Một bệnh viện xuống cấp sau hơn 50 năm hoạt động, nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Lối di chuyển của bệnh nhân đôi khi cũng là đường chuyển rác. Dự án xây mới 13 năm qua gần như mất tích. Đó là thực trạng của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Biểu tượng của xuống cấp và quá tải

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa hạng I, tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình ở miền Nam, rộng 5.051m2.

Theo số liệu năm 2022, mỗi ngày, nơi này tiếp nhận từ 1.500-2.000 lượt khám và khoảng 700 ca nội trú. Tuy nhiên, bệnh viện luôn phải tải gần 5.000 người/ngày, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế, sinh viên và bác sĩ sang học tập.

Bên trong bệnh viện chỉ có một con đường duy nhất để di chuyển cho người khám ngoại trú, người chụp X quang, chuyển mổ cấp cứu và cả vận chuyển rác thải. Đây là thách thức với một bệnh viện ngoại khoa khi mỗi ngày phải phẫu thuật trên 100 ca do môi trường dễ nhiễm khuẩn.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM quá tải và xuống cấp. Ảnh: Chí Hùng

Dù di chuyển khó khăn, dễ va chạm nhưng người bệnh bó bột, đi nạng, xe lăn hay băng ca không còn lựa chọn khác. Quá tải nghiêm trọng nhất là khu vực khám bệnh, đóng viện phí và lấy thuốc, đặc biệt nặng nề vào những ngày đầu tuần.

“Trải nghiệm kinh khủng, tôi chưa thấy một bệnh viện nào quá tải và cũ kỹ như vậy. Lúc nộp tiền tôi còn bị móc túi”, bà Trần Nguyệt Anh (Đồng Nai) chia sẻ sau một lần khám ngoại trú.

Sự quá tải hiện diện từ bãi gửi xe đến khu khám bệnh. Nhà xe quá nhỏ nên kín chỗ từ 8h sáng. Người bệnh phải gửi xe bên ngoài nhưng có tìm được chỗ hay không cũng là chuyện “hên xui”.

Không chỉ người bệnh, chính nhân viên y tế cũng đau đầu vì nhu cầu rất cơ bản này. Bệnh viện phải mượn một phần diện tích của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP sát bên cạnh làm nơi để xe máy cho nhân viên.

Trên thực tế, bệnh viện này do người Hoa xây dựng vào năm 1968 dành cho người nghèo, ban đầu lấy tên là Sùng Chính. Đến nay, bệnh viện xuống cấp thuộc "top đầu" ở TP.HCM. Sát bên cạnh là ký túc xá Cao đẳng Cao Thắng, xây dựng từ những năm 1960.

Ký túc xá từng xảy ra các vụ cháy nổ khiến hàng trăm bệnh nhân phải sơ tán. Trước năm 2000, một tấm đan bê tông từ lầu 5 ký túc xá rơi xuống làm thiệt mạng một người xe ôm. Năm 2015, đoạn ống nước bằng sắt rơi xuyên qua mái tôn, rớt xuống phòng mổ của bệnh viện.

Năm 2019, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị tháo dỡ công trình trên vì không đảm bảo an toàn trong kết cấu xây dựng, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Cách đây ít ngày, các sở ngành tại TP.HCM lại tiếp tục họp và khảo sát ký túc xá để có phương án giải quyết vấn đề nhức nhối trên.

chan-thuong-chinh-hinh.jpg
Ký túc xá từng xảy ra cháy khiến bệnh viện phải sơ tán hàng trăm bệnh nhân. Ảnh: GL.

Dự án 13 năm "bất động", mòn mỏi chờ điều chuyển

Thực tế, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án theo văn bản số 543/TTg-KTN ngày 2/4 về xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tại huyện Bình Chánh. Dự án nhiều năm không có tiến triển.

Sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị thành phố ngưng triển khai dự án theo hình thức BT (dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao theo quy định của pháp luật), cho phép chuyển địa điểm dự án xây mới về thị trấn Tân Túc, Bình Chánh, nguồn vốn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, trong 13 năm qua, dự án xây mới chỉ ở trên giấy.

Đến cuối năm 2022, Sở Y tế TP.HCM đề xuất giao nhà đất số 201 Phạm Viết Chánh (cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu Huyết học) tạm thời làm cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình để phục vụ khám chữa bệnh. Khu đất này (đang bỏ trống) được xem là tia hy vọng để giải quyết tình thế hiện tại.

Ngày 21/9, đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho biết đã thẩm định hoàn tất, thống nhất với đề nghị của Sở Y tế và đang dự thảo văn bản trình UBND TP theo hướng chấp thuận điều chuyển tài sản (bao gồm nhà đất và tài sản gắn liền với đất). Đồng thời, đề xuất giao Sở Y tế chỉ đạo hai bệnh viện tổ chức bàn giao, tiếp nhận và quản lý, sử dụng tài sản theo quy định.

z4798165619311-36ebe41e1dfbaf9161045cd3975f46f5-1.jpg
Người dân bất lực tìm nơi gửi xe khi đến bệnh viện. Ảnh: GL.

Tuy nhiên, ngày 12/10, Sở Tài chính lại có văn bản khẩn đến Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế, Bệnh viện Truyền máu Huyết học đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến nguồn gốc khu đất 201 Phạm Viết Chánh. Từ đó, có cơ sở để báo cáo UBND TP.HCM.

Văn bản này đồng nghĩa với việc chưa thể chuyển giao khu đất nói trên cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình như mong đợi.

Mới đây, trong hội nghị sơ kết y tế 9 tháng năm 2023, Sở Y tế TP cho biết đã có phương án đăng ký công trình cấp bách để Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xây dựng tại chỗ với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, thời gian từ 2023 - 2028. Sở Y tế hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng cho bệnh viện về phòng cháy chữa cháy.

Người bệnh, nhân viên y tế lại tiếp tục đặt hy vọng như hơn 13 năm qua.

Bệnh viên TNH chuẩn bị nâng công suất gấp đôi trong năm 2025 kỳ vọng lợi nhuận bùng nổ

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cảnh báo 6 dấu hiệu của ung thư dương vật, nam giới cần lưu ý

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/benh-vien-chan-thuong-chinh-hinh-tp-hcm-xuong-cap-sau-hon-50-nam-2204225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Số phận long đong của một bệnh viện lớn ở TP.HCM
    POWERED BY ONECMS & INTECH