USD lao dốc không tưởng: Kỷ nguyên thống trị lung lay, thế giới tiền tệ đảo chiều?
Cùng với sự suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính dưới thời ông Donald Trump, kịch bản "Ngày tận thế của đồng USD" vẫn là một mối nguy hiện hữu.
*Bài viết được lược dịch từ quan điểm của tác giả Rana Foroohar, nguồn Financial Times
Dù chính sách thuế quan của ông Donald Trump ra sao, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho một kỷ nguyên thị trường mới, theo Rana Foroohar.
Năm 2019, tôi từng cảnh báo về "Kịch bản tận thế của đồng USD ", khi toàn cầu hóa đảo chiều và hệ thống Bretton Woods suy yếu sẽ kéo theo sự giảm giá của đồng USD và tài sản định danh bằng USD. Điều này sẽ làm lợi suất trái phiếu tăng, đồng thời đẩy giá vàng và nhiều đồng tiền khác lên cao.
Giờ đây, điều đó đang dần thành hiện thực. Chỉ số S&P có thể dao động theo tâm trạng của Tổng thống Donald Trump , nhưng dấu hiệu về một kỷ nguyên mới đã được thiết lập.
Ngay cả nếu bà Kamala Harris trở thành Tổng thống, nước Mỹ vẫn không tránh khỏi thực tế là thế giới đã bước vào kỷ nguyên hậu "Washington consensus", như chính quyền ông Joe Biden từng thừa nhận. Thế giới đang dịch chuyển sang một trật tự đa cực, nơi đồng USD và tài sản Mỹ không còn là lựa chọn duy nhất.
Trong đầu tư, mỗi xu hướng lớn thường chỉ kéo dài khoảng một thập kỷ, trong khi vị thế thống trị của Mỹ đã tồn tại quá lâu. Mô hình kinh tế dựa vào tài chính hóa sâu rộng, tập trung quyền lực và sử dụng nợ làm động lực tăng trưởng của Mỹ đang dần suy yếu, và điều này không chỉ do những biến động dưới thời ông Trump.

Sự phụ thuộc quá mức vào tăng trưởng từ giá tài sản
Trong hơn nửa thế kỷ, phần lớn các chính sách kinh tế quan trọng của Mỹ đều hướng tới việc đẩy giá tài sản lên cao. Từ việc nới lỏng quy định về lãi suất vào cuối thập niên 1970, cho tới việc cho phép doanh nghiệp tự do mua lại cổ phiếu, tất cả đều nhằm hỗ trợ thị trường tài chính. Kết quả là giá trị tài sản tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập thực tế của người dân, khiến cả nền kinh tế Mỹ ngày càng phụ thuộc vào sự vận động của thị trường chứng khoán và thị trường vốn.
Hiện nay, cổ phiếu và các quỹ đầu tư chiếm tới 26% tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ – mức cao kỷ lục trong lịch sử. Theo chuyên gia Luke Gromen, từ năm 1995, nguồn thu thuế liên bang của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa là nếu giá cổ phiếu giảm mạnh và duy trì trong thời gian dài, tiêu dùng sẽ sụt giảm, GDP sẽ suy thoái, còn thâm hụt ngân sách sẽ ngày càng gia tăng.
Bùng nổ nợ tư nhân và tín dụng phi ngân hàng
Thị trường tín dụng tư nhân ở Mỹ đang tăng trưởng mạnh, đặc biệt với các doanh nghiệp rủi ro cao – những đối tượng trước đây khó tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay này sẽ đồng loạt đáo hạn từ nay đến năm 2027.
Corey Frayer, cựu cố vấn cao cấp của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cảnh báo rằng nếu kinh tế suy yếu đúng vào thời điểm đó, nguy cơ phá sản hàng loạt sẽ rất lớn. Điều này không chỉ đe dọa hệ thống tín dụng phi ngân hàng mà còn có thể kéo theo cả các ngân hàng truyền thống, do mức độ liên kết giữa hai khu vực này hiện nay đã sâu sắc hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.
Gia tăng rủi ro từ tiền mã hóa
Khi chính quyền Tổng thống Trump nới lỏng các quy định giám sát tài chính, nhiều đạo luật như Genius Act đã tạo điều kiện cho tiền mã hóa thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ. Điều này làm gia tăng rủi ro, nhất là trong bối cảnh chính quyền ông Biden từng buộc phải hỗ trợ nền tảng giao dịch Circle sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank. Đáng chú ý, cả Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk đều có lợi ích cá nhân liên quan đến lĩnh vực tiền mã hóa.
Tôi không khẳng định rằng một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ nổ ra ngay lập tức do nợ doanh nghiệp hay tiền mã hóa. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng thị trường tài sản Mỹ đang ngày càng rủi ro hơn và bị thổi giá quá mức. Cùng với sự suy giảm niềm tin vào hệ thống tài chính dưới thời ông Trump, kịch bản "Ngày tận thế của đồng USD" vẫn là một mối nguy hiện hữu.
Tham khảo FT
>> USD 'rơi tự do': Cú sốc rút vốn và ranh giới mong manh của các nền kinh tế toàn cầu