VinFast lên 210 tỷ USD rồi xuống 70 tỷ, CEO Lê Thị Thu Thủy nói gì?
CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có những chia sẻ quan điểm của bản thân về câu chuyện giá cổ phiếu của hãng xe điện này biến động trong thời gian qua.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ASEAN BIS) tại Jakarta hôm 4/9, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có những chia sẻ về câu chuyện giá cổ phiếu của hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động mạnh trong thời gian qua.
“Bạn có lẽ đã thấy cổ phiếu VinFast biến động mạnh ra sao sau khi lên sàn Nasdaq và tôi nghĩ nhiều người đã cảm thấy bất ngờ”, tờ Nikkei Asia trích dẫn lời của bà Thủy tại ASEAN BIS - diễn đàn thường niên lớn nhất liên quan đến doanh nghiệp của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN.
Đây là một sự kiện rất được giới đầu tư trong khu vực cũng như thế giới quan tâm và nó diễn ra trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác vào cuối tuần này.
“Tuy nhiên, chúng tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi tin vào tiềm năng của công ty”, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết.
Theo bà Thu Thủy, giá cổ phiếu VinFast biến động khôn lường nhưng không đáng ngại.
CEO VinFast đặt niềm tin vào tiềm năng của công ty, nhất là sau khi xét tới sự mở rộng nhanh chóng của hệ sinh thái xe điện ở Đông Nam Á.
VinFast là hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam và khu vực ASEAN đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Hôm 15/8, VinFast đã tạo dấu mốc lịch sử khi niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu VinFast lên sàn Nasdaq, với mã VFS và định giá 23 tỷ USD.
Cổ phiếu này mở phiên đầu tiên ở mức 22 USD/cp và nhanh chóng đạt đỉnh 93 USD/cp (tương đương vốn hóa khoảng 210 tỷ USD), trước khi hạ nhiệt trở lại.
Tính tới hết ngày 1/9, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức 29,5 USD/cp (tương đương vốn hóa 70 tỷ USD).
Như vậy, ở đỉnh điểm, định giá của VinFast có lúc lên tới 210 tỷ USD (hôm 28/8) và xếp hạng thứ 3 trong top nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Tesla của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk và xếp sau chút it so với Toyota (khoảng 223 tỷ USD).
Cú sụt giảm trong 4 phiên sau đó đã đưa vốn hóa của VinFast giảm nhanh và tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm theo.
Dù vậy, CEO VinFast đã gạt bỏ những lo ngại về diễn biến thất thường của giá cổ phiếu VFS và đặt niềm tin vào tiềm năng của VinFast.
Bà Thủy cho biết, VinFast đã làm được điều mà nhiều người nghĩ là bất khả thi kể từ khi bước vào con đường chinh phục xe điện từ 6 năm trước.
“Xe hơi rất phức tạp và rất tinh vi. Chúng tôi từng nghĩ không bao giờ có thể làm được, nhưng VinFast đã làm được”, nữ CEO VinFast chia sẻ tại diễn đàn.
Nữ tướng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng thông tin thêm, VinFast đã ra mắt 7 mẫu xe ở Việt Nam và đã bàn giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm 2023, phần lớn ở Việt Nam và có 999 chiếc được xuất khẩu tới Mỹ.
CEO VinFast tin tưởng vào hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast.
Về Indonesia, bà Thủy bày tỏ sự lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN khi quốc gia này có trữ lượng nickel lớn và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á. CEO VinFast cũng nói tới những liên doanh sản xuất xe điện ở Malaysia và Thái Lan và cho rằng VinFast có thể tìm thấy hầu hết bộ phận sản xuất xe điện ở Đông Nam Á.
Người lèo lái con thuyền VinFast tin tưởng có thể biến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và có thể “xuất khẩu xe điện đến phần còn lại của thế giới”.
ASEAN BIS được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN, với sự tham dự của nguyên thủ các nước ASEAN và các nước đối tác; các bộ trưởng, quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn và uy tín của ASEAN và thế giới.
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 năm nay có đại diện hơn 2.000 doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, trong đó có hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị thu hút hơn 100 diễn giả quốc tế, trong đó có lãnh đạo nhiều nước ASEAN và các nước đối tác.
Với chủ đề: "ASEAN trong vai trò trung tâm: Sáng tạo để bao trùm hơn", ASEAN BIS 2023 tập trung thảo luận về 5 nội dung chính bao gồm: Chuyển đổi số và phát triển bền vững; an ninh lương thực; y tế sức khỏe; đảm bảo hoạt động doanh nghiệp; và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Hãng ô tô 'máu mặt' nhưng số xe dính lỗi, triệu hồi nhiều nhất năm 2024 
Thêm một mẫu ô tô điện giá rẻ từ Trung Quốc 'đổ bộ' thị trường Việt Nam