Đại gia kín tiếng Ninh Bình chi gần 100.000 tỷ đồng làm thép HRC: Làm sao 'tồn tại' khi Hòa Phát và Formosa cũng còn đang chật vật?
Năng lực sản xuất thép HRC của Tập đoàn Xuân Thiện sẽ ngang ngửa Hòa Phát và Formosa khi nhà máy ở Nam Định hoàn thiện. Tuy nhiên, thị trường đang cạnh tranh khốc liệt, hai ông lớn có kinh nghiệm lâu đời còn gặp khó trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai dự án thép "siêu khủng" tại khu vực Cồn Xanh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với tổng vốn đầu tư 98.000 tỷ đồng, chia làm 2 nhà máy: Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (83,93ha), tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm; Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (284,97ha), tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, công suất 7,5 triệu tấn/năm.
Khi hoàn thành, Xuân Thiện sẽ cung cấp ra thị trường 9,5 triệu tấn thép/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (HRC) với công suất khoảng 7,5 triệu tấn/năm.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 thực hiện trong 48 tháng kể từ ngày giao đất, công suất 3 triệu tấn/năm, gồm 2,5 triệu tấn HRC/năm. Giai đoạn 2 và 3 lần lượt thực hiện trong 12 và 60 tháng. Huyện Nghĩa Hưng đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan tích cực giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục để giao Xuân Thiện làm dự án.
Phối cảnh dự án nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện tại Nam Định |
Tập đoàn Xuân Thiện có trụ sở tại Ninh Bình, thành lập từ năm 2000 bởi doanh nhân Nguyễn Văn Thiện. Doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng, sở hữu 16 nhà máy điện tại Việt Nam như: Thủy điện Suối Sập 1 và 2A, Thủy điện Hang Đồng A và A1, Thủy điện Thác Ca 1 và 2, Nhà máy điện mặt trời Ea Súp 1 đến 5...
Xuân Thiện còn thể hiện tham vọng đầu tư vào các dự án lớn, với nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng và hàng chục tỷ USD.
Bên cạnh dự án thép, Xuân Thiện cũng đề nghị đầu tư vào Dự án Tổ hợp Lọc dầu Kim Sơn tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, với công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm. So với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm cần khoảng 9 tỷ USD, thì có thể ước tính Xuân Thiện cần khoảng 3 tỷ USD để triển khai nếu được chọn.
Câu hỏi đặt ra là Xuân Thiện lấy đâu ra nhiều tiền như vậy? Theo báo cáo năm 2023, Tập đoàn lỗ 106,9 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2023 đạt 5.869,6 tỷ đồng – chỉ là "số lẻ" so với nhu cầu đầu tư của các dự án lớn.
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2019 - 2020, Xuân Thiện đã huy động gần 13.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để triển khai các dự án năng lượng.
Chân dung ông Nguyễn Văn Thiện |
"Đại dương xanh đã nhuộm đỏ", Xuân Thiện làm sao để tồn tại và phát triển?
Tại Việt Nam, hiện chỉ có Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC. Nếu dự án thép của Xuân Thiện hoàn thành, nó sẽ phá vỡ thế độc tôn của hai ông lớn này.
Tuy nhiên, dù sở hữu nguồn lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm lâu năm, Hòa Phát và Formosa cũng gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với thép HRC giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa và các hàng rào thuế chống bán phá giá tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Ấn Độ, và Úc...
Kết quả là, năm 2022 và 2023, Formosa Hà Tĩnh lần lượt lỗ 10 tỷ Đài tệ (khoảng 7.832 tỷ đồng) và 20,1 tỷ Đài tệ (khoảng 15.742 tỷ đồng); biên lợi nhuận ròng Hòa Phát về dưới 6% trong khi năm 2021 đạt 23%.
Nhu cầu thị trường HRC nội địa năm 2023 vào khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, nhưng lượng nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc. Công suất của Hòa Phát và Formosa đạt 8,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, khi nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2 và Xuân Thiện đi vào hoạt động, công suất HRC của 3 tập đoàn sẽ tăng lên ít nhất 21,6 triệu tấn/năm, vượt xa nhu cầu trong nước.
Công suất sản xuất thép HRC của Xuân Thiện ước tính sẽ gần bằng Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long |
Bắt đầu sau nhưng chưa phải đi sau, để giải quyết vấn đề tiêu thụ, Xuân Thiện chọn con đường xuất khẩu và đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp sử dụng khí gas và khí hydro thay vì than cốc như sản xuất HRC truyền thống, giúp giảm 86% lượng CO2 phát thải, dù tốn thêm hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư. Điều này đang phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của ngành thép toàn cầu.
Ngành thép hiện đang chịu tác động lớn từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), chính sách này đã được EU thử nghiệm từ tháng 10/2023 và sẽ áp dụng hoàn toàn vào năm 2026. Nếu không đáp ứng tốt các yêu cầu này, xuất khẩu thép sang EU (thị trường xuất khẩu thép top đầu của Việt Nam) có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Xuân Thiện Nam Định, cho biết: “Dù phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để thay đổi công nghệ, điều này là cần thiết để thép của chúng tôi có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính như châu Âu. Chi phí sản xuất thép xanh hiện nay cao hơn khoảng 250 EUR/tấn so với thép thông thường, nhưng với chính sách khuyến khích giảm phát thải của EU, khoảng từ 75-100 EUR/tấn CO2, giá thành có thể cân bằng. Chúng tôi tin Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách tương tự để khuyến khích sản xuất thép xanh và bảo vệ môi trường."
Về động thái bảo vệ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đang trong quá trình điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu quy định áp thuế được ban hành, BSC Research kỳ vọng, sản lượng HRC tiêu thụ nội địa của các công ty trong nước sẽ tăng thêm 1,5 - 3 triệu tấn/năm.