Kể từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã mất giá 6,6% so với đồng USD, tệ nhất trong số những đồng nội tệ của nhóm 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Với GDP suy giảm quý thứ 2 liên tiếp, kinh tế Nhật Bản đã bất ngờ rơi vào suy thoái do lực cầu nội địa yếu ớt. Điều này khiến một số nhà quan sát rút lại nhận định về thời điểm NHTW Nhật Bản chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Theo số liệu mà Bộ Nội Vụ Nhật Bản công bố sáng nay (15/2), GDP của “đất nước mặt trời mọc” suy giảm 0,4% trong 3 tháng cuối năm ngoái. Sau khi điều chỉnh, GDP của Nhật cũng giảm 3,3% trong quý trước nữa.
Các số liệu chi tiết cho thấy cả các hộ gia đình và doanh nghiệp đều cắt giảm chi tiêu quý thứ ba liên tiếp. Tính theo USD, kinh tế Nhật Bản chính thức bị đẩy xuống vị trí thứ 4 thế giới, bị Đức vượt mặt.
Tính cả năm 2023, GDP danh nghĩa của Nhật Bản tính theo đồng USD đạt 4.190 tỷ USD, trong khi của Đức là 4.550 tỷ USD. Theo dự báo của IMF, vài năm nữa cả Đức và Nhật Bản đều sẽ bị Ấn Độ “vượt mặt”.
>> Yên Nhật suýt thủng mốc 152, xuống gần đáy 33 năm so với USD 
Chỉ có duy nhất một trong số 34 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán GDP Nhật Bản suy giảm trong quý trước. Ngược lại, họ đưa ra mức dự báo trung bình là tăng trưởng 1,1%.
Diễn biến của các hợp đồng hoán đổi qua đêm sau khi số liệu được công bố cho thấy thị trường dự đoán có khoảng 63% khả năng NHTW Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất vào tháng 4, giảm mạnh so với tỷ lệ 73% của 1 ngày trước đó.
GDP Nhật Bản sụt giảm 2 quý liên tiếp. Nguồn: Bloomberg |
Tốc độ tăng trưởng yếu hơn dự báo sẽ làm tình hình trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh BoJ chuẩn bị tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007. Trong khảo sát thực hiện vào tháng trước, hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán BoJ thực hiện bước đi này ngay trong tháng 4.
Tuy nhiên số liệu ngày hôm nay càng nhấn mạnh những khó khăn mà BoJ gặp phải. Rõ ràng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của BoJ phụ thuộc rất nhiều vào lực cầu bên ngoài, trong lúc lực cầu nội địa bị hụt hơi vì lạm phát dai dẳng.
Trong tháng 12, chi tiêu của các hộ gia đình đã sụt giảm 2,5% so với 1 năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Tốc độ tăng lương không thể đuổi kịp tốc độ lạm phát. Chi tiêu của doanh nghiệp cũng trì trệ, giảm 0,1% trong quý trước.
Đồng yên suy yếu
Đồng yên yếu gây áp lực lạm phát lớn ở Nhật Bản |
Trong khi đó, đồng yên yếu đi và quay trở lại những ngưỡng chưa từng thấy kể từ tháng 11 năm ngoái đe dọa sẽ gây ra áp lực lạm phát chi phí đẩy trong những tháng tới. Hiện yên giao dịch ở quanh mức 150,40 yên đổi 1 USD.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân quý IV (chiếm một nửa GDP) giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đã giảm 3 quý liên tiếp. Người tiêu dùng Nhật Bản phải chiến đấu với giá mọi hàng hóa leo thang từ thực phẩm cho tới nhiên liệu.
Năng lượng nhập khẩu chiếm tới 94% tổng nhu cầu của người dân Nhật Bản, trong khi thực phẩm nhập khẩu chiếm 63%. Do đó đồng yên yếu khiến chi phí sinh hoạt gia tăng đáng kể, theo chiến lược gia Neil Newman, người đang công tác tại Japanmacro.
Kể từ đầu năm đến nay, yên Nhật đã mất giá 6,6% so với đồng USD, tệ nhất thế giới trong số những đồng tiền được sử dụng bởi nhóm G10.
Xuất khẩu ròng đóng góp 0,2 điểm phần trăm cho đà tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản. Trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu của Nhật đã tăng vọt nhờ các mặt hàng công nghệ gồm ô tô sang Mỹ và chip sang Trung Quốc. Du lịch cũng là ngành tăng trưởng tốt với lượng du khách tới Nhật Bản đạt kỷ lục trong tháng 12.
Tuy nhiên bước sang năm 2024, trụ đỡ này có thể suy yếu vì một số đối tác thương mại chủ chốt của Nhật Bản được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng giảm tốc.
>> Nhật Bản 'cho không' 8 triệu ngôi nhà, 'biếu' thêm tiền nhưng cũng không ai thèm lấy