Thủ tướng: Nghiên cứu xây sân bay quốc tế mới ở phía Nam đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng cho rằng có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Chiều 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng chủ trì hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường” tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng.
Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng. Quy hoạch vùng đưa ra những nhận diện, đề xuất 6 định hướng phát triển.
Trong đó có nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, quy hoạch vùng cũng nêu rõ, không gian phát triển vùng được tổ chức hợp lý, gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế - 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng - 1 hành lang ven biển - 2 vùng động lực phát triển - 2 tiểu vùng kinh tế-xã hội.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị -hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Quy hoạch cũng đưa định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng; phát triển các đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Các chuỗi và chùm đô thị thuộc tiểu vùng Duyên hải Bắc bộ.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng tập trung hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả các trung trung tâm kinh tế nội vùng, trong nước, quốc tế.
Về danh mục dự án, cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Địa phương không thể làm thay nhau nhưng không thể không liên kết
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cùng với vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước. Vì vậy, quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng.
Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng có lợi thế là cửa ngõ kết nối Trung Quốc-ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển, trong đó con đường qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) là đường kết nối ngắn nhất (khoảng 500km) giữa Vùng Đồng bằng sông Hồng với vùng kinh tế phát triển năng động nhất Trung Quốc.
So với các vùng khác trên cả nước, Đồng bằng sông Hồng cũng gần khu vực Đông Bắc Á nhất. Do đó, phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh về phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh liên kết vùng là một trong những đột phá, động lực tăng trưởng mới, cùng với liên kết các vùng, liên kết với cả nước và liên kết quốc tế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường.
“Không địa phương nào làm thay địa phương nào nhưng không thể không liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Riêng về hàng không, Thủ tướng cho rằng khu vực phía bắc đồng bằng đã có 3 sân bay  (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến nhiều địa điểm, di sản văn hóa, như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hòa Lò..
Quảng Ninh và Hải Phòng được yêu cầu liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới, bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tích cực triển khai các công việc để trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và phối hợp khai thác tốt di sản này.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Diện tích tự nhiên của vùng là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,49% dân số cả nước; mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác và gấp 3,66 lần so với mật độ trung bình chung của cả nước.
>> Lâm Đồng thành lập Tổ công tác hỗ trợ sân bay Liên Khương lên sân bay quốc tế 
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng 
Chi 25.000 tỷ mở rộng 2 đường huyết mạch liên kết vùng TPHCM lên 10 làn xe