Nhiều dự án giao thông quan trọng với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được triển khai trong thời gian tới hướng đến phục vụ cho hoạt động của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Để phục vụ khai thác hiệu quả dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ , nhiều dự án giao thông quan trọng sẽ được triển khai thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 dự án: Cầu Cần Giờ và nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Với cầu Cần Giờ, đây là dự án được TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Tổng chiều dài cầu là 7,3km, trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3km với phần đường dẫn dài hơn 4,3km. Cầu có quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60km/h.
Cầu Cần Giờ được xây dựng theo dạng dây văng với độ dài nhịp chính giữa lòng sông là 350m, đặt trên hai trụ cầu cao gần 100m. Cầu sẽ có tĩnh không thông thuyền 55m (tương đương cầu Bình Khánh của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) - cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Cần Giờ, điểm đầu của dự án nằm tại đường 15B, huyện Nhà Bè, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc. Cầu sẽ cắt qua đường Nguyễn Bình, vượt sông Soài Rạp. Ở huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía Nam.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cầu Cần Giờ được đề xuất đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động. Dự kiến cầu Cần Giờ sẽ được đầu tư trong quý II/2024, nếu được thông qua, dự án sẽ khởi công vào dịp 30/4/2025 và tiến tới vào thành năm 2028.
Cùng với dự án cầu Cần Giờ, nút giao đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng được đề xuất thực hiện nhằm phục vụ hoạt động của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ hoàn thiện nút giao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng. Nút giao sẽ là giải pháp kết nối đường Rừng Sác - đường độc đạo kết nối trung tâm TP. HCM, tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận đến Cần Giờ với cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2025). Đặc biệt khi cao tốc này không có điểm kết nối với TP. HCM và đoạn đi qua huyện Cần Giờ tại xã Bình Khánh là đường trên cao.
Cùng với 2 dự án trọng điểm trên, TP. HCM sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ kết nối từ Khu đô thị biển lấn biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu làm tuyến đường kết nối cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép và tuyến đường ven biển kết nối TP. HCM (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự kiến 2 tuyến đường trên sẽ được bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để triển khai các bước tiếp theo.
Theo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hướng đến xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM cũng như khu vực. Mục tiêu là thu hút các hãng tàu, vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đạt 4,8 triệu Teu trong năm 2030 và đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Theo đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh Anh, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha. Quy mô khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000-65.000 tấn (750-5.200Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000T (356 Teu).
>> Lộ diện tuyến ống ngầm dài 21km cung cấp nhiên liệu cho sân bay lớn nhất Việt Nam