Hòa Phát (HPG) đón nhiều thuận lợi trong chu kỳ mới: Nhìn lại nửa thập kỷ tăng trưởng nhờ chống bán phá giá thép và Dự án Dung Quất
Với việc Dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động cuối năm nay và thép HRC từ Trung Quốc có thể bị chống bán phá giá, Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nửa thập kỷ tăng trưởng nhờ “bộ đôi” chống bán phá giá thép và Dung Quất giai đoạn 1
Giai đoạn 2016-2021 được xem là thời kỳ vàng son của Hòa Phát . Năm 2016, doanh thu của tập đoàn đạt 33.862 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) lên tới 6.606 tỷ đồng, tăng 89% so với năm trước đó. Con số này tiếp tục tăng mạnh vào năm 2017 khi doanh thu đạt 46.855 tỷ đồng, LNST đạt 8.015 tỷ đồng nhờ nhu cầu tăng cao từ ngành xây dựng cũng như sự bảo hộ từ các biện pháp chống bán phá giá mà Bộ Công Thương áp dụng đối với thép mạ kẽm của Trung Quốc và Hàn Quốc (năm 2017).
Sự bứt phá lớn nhất của Hòa Phát diễn ra trong giai đoạn 2018-2021, nhờ vào Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Năm 2018, Hòa Phát khởi công giai đoạn 1 của dự án với kỳ vọng tăng công suất thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC).
Đến năm 2020, Dung Quất chính thức đi vào hoạt động, đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với thị phần hơn 30%. Năm 2021, tập đoàn đạt doanh thu 150.800 tỷ đồng và LNST 34.520 tỷ đồng, con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Hòa Phát.
Hòa phát liên tục tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2016-2021 |
Giá thép toàn cầu tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, cùng với chính sách bảo hộ chống bán phá giá (thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc - năm 2020) đã góp phần lớn vào thành công này.
Khó khăn kinh tế hậu COVID-19
Từ năm 2022, Hòa Phát bắt đầu đối mặt với những thách thức mới. Nhu cầu thép toàn cầu suy yếu do ảnh hưởng của các biến động kinh tế và thị trường bất động sản trong nước trầm lắng. Doanh thu năm 2022 của Hòa Phát giảm xuống còn 142.000 tỷ đồng, LNST chỉ đạt 12.338 tỷ đồng, giảm 64% so với năm trước. Năm 2023, tình hình tiếp tục khó khăn khi doanh thu giảm còn 120.355 tỷ đồng và LNST giảm 45%, chỉ còn 6.800 tỷ đồng.
Mặc dù các biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam vẫn duy trì, nhưng sức mua giảm sút cả trong nước và quốc tế khiến Hòa Phát không thể duy trì tốc độ tăng trưởng như trước.
Sau khi đạt đỉnh năm 2021, lợi nhuận Hòa Phát rơi mạnh trong hai năm tiếp theo |
Thời điểm bước ngoặt
Chống bán phá giá một số sản phẩm thép từ Hàn Quốc và Trung Quốc
Cuối tháng 3/2024, Hòa Phát và Formosa  đã gửi văn bản đến Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc. Tới ngày 24/10, Bộ Công Thương đã ban hành kết quả rà soát cuối kỳ về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng và được sơn, có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cơ quan điều tra xác định khả năng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra sẽ tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nếu chấm dứt biện pháp CBPG. Do đó, Bộ Công Thương quyết định gia hạn áp mức thuế từ 2,56% đến 34,27% thêm 5 năm (đến tháng 10/2029) đối với 24 công ty xuất, nhập khẩu tại hai quốc gia trên, cùng nhiều công ty liên quan. Trường hợp người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, sẽ áp dụng mức thuế CBPG là 34,27%.
Điều tra chống bán phá giá thép HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc
Ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 - 30/6/2024, với biên độ chống bán phá giá đề nghị là Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra áp thuế CBPG đối với thép HRC từ Trung Quốc. Theo số liệu thu thập được, sản lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8 - 9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần trong giai đoạn năm 2021 - 2022. BSC kỳ vọng thời gian sớm nhất để có kết luận sơ bộ và áp thuế CBPG tạm thời là quý II/2025.
Kết quả kinh doanh hồi phục và kỳ vọng Hòa Phát Dung Quất 2
Cũng trong khoảng thời gian này, Hòa Phát cho thấy những dấu hiệu hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước và LNST đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140%. Sự phục hồi này nhờ vào việc biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép, nông nghiệp đã giúp lợi nhuận của tập đoàn tăng trưởng.
Tại Dự án Dung Quất 2, Hòa Phát đã hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến khai thác vào quý IV/2024. Các dây chuyền đúc và cán thép cũng sẽ hoạt động trong tháng 12 này, đưa phân kỳ 1 vào vận hành chính thức. Phân kỳ 2 sẽ hoàn thành vào quý IV/2025.
Khi Dung Quất 2  đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn, trở thành đơn vị sản xuất thép HRC lớn nhất Việt Nam.
Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát sắp đi vào hoạt động |
Theo BSC, bản chất thép HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, việc thông qua áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Hòa Phát lấy thêm được thị phần. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ thép HRC của Việt Nam vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của Hòa Phát và Formosa (9 triệu tấn/năm). Thị trường Việt Nam đang thiếu 3 – 4 triệu tấn/năm. Do đó, trong trường hợp áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ thông qua, Hòa Phát sẽ chiếm được thị phần từ HRC nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo đó, trong năm 2024, BSC dự báo Hòa phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 139.664 tỷ đồng (+17% YoY) và lãi sau thuế 12.300 tỷ đồng (+80% YoY). Trong năm 2025, doanh thu thuần và LNST lần lượt đạt 176.701 tỷ (+27% YoY) và 16.084 tỷ đồng (+31% YoY), đây sẽ là kỷ lục mới về doanh thu của Hòa Phát nếu như tập đoàn có thể thực hiện được.
>> Hòa Phát (HPG) nắm dần lợi thế trong cuộc cạnh tranh với thép Trung Quốc