Việt Nam có thêm cảng biển tiếp nhận được tàu khách quốc tế
Khu bến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã được chấp thuận chủ trương cho phép thí điểm tiếp nhận tàu khách quốc tế.
Bộ Xây dựng mới đây đã chấp thuận chủ trương cho phép thí điểm tiếp nhận tàu khách quốc tế tại khu bến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.
Bộ Xây dựng cũng đã giao Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các nội dung có liên quan tại đề án nghiên cứu nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng bến cảng  hiện hữu đã được Bộ GTVT (cũ) ban hành tại quyết định số 1731/2024.
Cuối năm 2024, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã chấp thuận chủ trương cho phép bến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tiếp nhận tàu khách quốc tế Viking Orion.

Theo đó, tàu này có trọng tải 3.640DWT với chiều dài hơn 228m, rộng 28,8m và có khả năng chở hơn 1.400 hành khách và thủy thủ.
Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước thuộc khu bến Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) với tổng chiều dài 800m bao gồm 3 cầu cảng.
Theo thiết kế, bến này có thể tiếp nhận, khai thác tàu chở hàng tổng hợp, container có trọng tải đến 50.000DWT.
Công ty Cổ phần (CTCP) Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước được biết đến là một công ty con của CTCP Cảng Sài Gòn, được thành lập năm 2005 và thuộc nhóm cảng biển số 5 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với định hướng xây dựng mô hình cảng xanh khai thác hàng container, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cam kết về thời gian vận chuyển container hàng xuất/nhập qua lại giữa các ICD và Cảng Sài Gòn Hiệp Phước không phát sinh thêm thời gian tàu chờ cập/rời cầu cùng nhiều chính sách và dịch vụ đa dạng, website của công ty cho biết.
Cảng này nằm trên luồng sông Soài Rạp và đây là luồng tàu biển rộng nhất và ngắn nhất từ biển Đông vào hệ thống cảng TP. HCM so với luồng Lòng Tàu.
Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước không chỉ cách chợ Bến Thành (quận 1 TP. HCM) khoảng hơn 20km mà còn gần các khu công nghiệp lớn như Hiệp Phước, Long Hậu...

Với đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp và hệ thống cảng nước sâu thuận lợi cho tàu lớn neo đậu, Việt Nam hiện đang được đánh giá sở hữu tiềm năng to lớn nhằm phát triển du lịch tàu biển.
Nằm trên tuyến hàng hải sôi động bậc nhất khu vực, có vị trí chiến lược kết nối với các thị trường du lịch tàu biển lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, Việt Nam đang chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực cho sự bứt phá của phân khúc du lịch cao cấp bằng đường biển.
Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, chỉ trong tháng 1/2025, cả nước đã đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có gần 45.000 lượt khách nhập cảnh bằng đường biển – một con số cho thấy sự khởi động đầy triển vọng của ngành du lịch tàu biển trong năm nay.
Nhiều địa phương ven biển như Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), TP. HCM… liên tục ghi nhận các chuyến du thuyền hạng sang cập bến trong những tháng đầu năm 2025. Đáng chú ý, tàu Celebrity Solstice mới đây đã đưa hơn 3.000 du khách đến từ châu Âu và Mỹ ghé thăm TP. HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Riêng trong một tuần của tháng 2/2025, Phú Quốc (Kiên Giang) đã đón 3 chuyến tàu du lịch biển 5 sao với gần 3.300 khách quốc tế.
Cùng thời điểm, tàu Adora Cruise cũng cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), mang theo 2.400 du khách quốc tế trong hành trình khởi hành từ Quảng Châu (Trung Quốc), tiếp tục cho thấy sức hút ngày càng lớn của Việt Nam trên bản đồ du lịch tàu biển khu vực.
Giai đoạn năm 2024, du lịch tàu biển tại TP. Đà Nẵng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với 35 chuyến tàu và 42.500 lượt khách (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2023); năm 2025 dự kiến còn bùng nổ hơn.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, tỉnh Khánh Hòa đã đón 7 chuyến tàu biển quốc tế với hơn 12.500 du khách.
TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh cũng không hề kém cạnh khi có 60 chuyến tàu biển đăng ký cập bến trong năm 2025, dự kiến sẽ mang theo khoảng 90.000 khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh.
Theo dự báo, thị trường này sẽ trở nên nhộn nhịp hơn trong thời gian tới vì tháng 4 là mùa cao điểm của du lịch tàu biển.
Việc các hãng tàu biển hàng đầu thế giới đưa Việt Nam vào lịch trình hành trình không chỉ góp phần làm phong phú thêm bức tranh sản phẩm du lịch quốc gia, mà còn mở ra cơ hội đón dòng khách quốc tế cao cấp – nhóm du khách có mức chi tiêu lớn. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch tàu biển toàn cầu.
>> Dự án metro 3,5 tỷ USD kết nối sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới